eCommerce WordPress Themes

Thành phần

Hoạt chất: Aripiprazole 10mg

Công dụng (Chỉ định)

Tâm thần phân liệt:

  • Aripiprazole được chỉ định điều trị bệnh tâm thần phân liệt.
  • Đã xác định hiệu quả của Aripiprazole trong bệnh tâm thần phân liệt khi sử dụng ngắn ngày (4 và 6 tuần) trong các thử nghiệm có kiểm soát các bệnh nhân tâm thần phân liệt điều trị nội trú. Aripiprazole có hiệu quả duy trì sự ổn định ở bệnh nhân tâm thần phân liệt đã được ổn định về mặt triệu chứng bởi các trị liệu chống loạn tâm thần khác trong thời gian 3 tháng hoặc lâu hơn, đã ngừng các trị liệu khác này, rồi dùng Aripiprazole với liều 15mg/ngày và được theo dõi về sự tái phát trong thời gian tối đa 26 tuần. Một nghiên cứu có kiểm chứng với placebo đã chứng minh hiệu quả này. Khi chỉ định Aripiprazole trong thời gian kéo dài cần định kỳ đánh giá lại hiệu quả dài hạn của thuốc đối với từng cá thể.

Hưng cảm lưỡng cực:

  • Aripiprazole được chỉ định điều trị cơn hưng cảm cấp và các giai đoạn pha lẫn của rối loạn lưỡng cực.
  • Đã xác định hiệu quả của Aripiprazole qua 2 thử nghiệm có kiểm soát với giả dược (3 tuần) trên những bệnh nhân hưng cảm lưỡng cực theo phân loại DSM-IV (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, 4th edition), bị cơn hưng cảm cấp hay các giai đoạn pha lẫn của rối loạn lưỡng cực có hay không có các biểu hiện tâm thần. Tuy nhiên, hiệu lực của Aripiprazole khi sử dụng dài hạn trên 3 tuần trong điều trị cơn hưng cảm cấp hay để dự phòng còn chưa được xác định bằng thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát. Do đó, khi bác sĩ chọn sử dụng Aripiprazole dài hạn cần định kỳ đánh giá lại các nguy cơ và lợi ích của thuốc trên từng bệnh nhân.

Liều dùng

Tâm thần phân liệt

Liều thông thường

  • Liều khuyến cáo khởi đầu và liều đích là 10-15 mg/ngày, dùng một lần, không phụ thuộc bữa ăn. Aripiprazole đã được đánh giá một cách hệ thống và cho thấy thuốc có hiệu lực với các liều 10-30 mg/mgày, tuy nhiên, liều cao hơn 10-15 mg/ngày (là liều thấp nhất trong các thử nghiệm này) cũng không có hiệu lực hơn liều 10-15 mg/ngày. Không tăng liều trước 2 tuần vì đây là thời gian cần để đạt trạng thái ổn định.

Liều lượng ở các đối tượng đặc biệt

  • Thường không cần thiết phải chỉnh liều theo tuổi, giới tính, chủng tộc hoặc tình trạng suy gan thận.

Phối hợp aripiprazole với thuốc ức chế CYP3A4

  • Khi phối hợp ketoconazole với aripiprazole cần phải giảm liều aripiprazole xuống còn nửa liều thường dùng và tăng liều aripiprazole trở lại khi ngưng chất ức chế CYP3A4.

Phối hợp aripiprazole với chất ức chế CYP2D6

  • Khi phối hợp aripiprazole với chất ức chế CYP2D6 ví dụ khi phối hợp với quinidine, fluoxetin hoặc paroxetine với aripiprazole, thì cũng phải giảm liều aripiprazole ít nhất xuống còn nửa liều thường dùng và tăng liều aripiprazole trở lại khi ngưng chất ức chế CYP2D6.

Phối hợp với chất cảm ứng CYP3A4

  • Khi phối hợp với chất cảm ứng CYP3A4 ví dụ như phối hợp với carbamazepine thì cần dùng liều aripiprazole gấp đôi (tới 20-30mg). Việc tăng liều nên dựa theo đánh giá lâm sàng. Khi ngưng carbamazepine thì nên giảm liều aripiprazole xuống còn 10-15mg/ngày.

Điều trị duy trì

  • Vì chưa có số liệu có giá trị về việc sử dụng aripiprazole dài hạn, việc đánh giá một cách hệ thống bệnh nhân tâm thần phân liệt đã ổn định về triệu chứng với các thuốc chống loạn thần khác trong thời gian ≥3 tháng, đã ngừng các thuốc đó và sau đó dùng Aripiprazole 15mg/ngày và được theo dõi tái phát trong thời gian 26 tuần, cho thấy điều trị duy trì như thế là có lợi. Cần định kỳ đánh giá lại để xác định nhu cầu điều trị duy trì.

Chuyển đổi từ các thuốc chống loạn thần khác

  • Chưa có dữ liệu được thu thập có hệ thống về việc chuyển bệnh nhân tâm thần phân liệt đã dùng thuốc tâm thần khác sang Aripiprazole hoặc về việc phối hợp Aripiprazole với các thuốc tâm thần khác. Việc ngừng đột ngột thuốc tâm thần dùng trước đó mặc dù có thể chấp nhận được ở một số bệnh nhân tâm thần phân liệt, tuy nhiên với các bệnh nhân khác thì ngưng từ từ có thể thích hợp hơn. Trong mọi trường hợp, thời kỳ giao nhau giữa các thuốc nên được giảm xuống tối thiểu.

Hưng cảm lưỡng cực

Liều thông thường

  • Trong các thử nghiệm lâm sàng, liều khởi đầu là 30mg ngày 1 lần. Liều 30mg/ngày được thấy là có hiệu quả khi dùng dưới dạng viên. Khoảng 15% bệnh nhân được giảm liều xuống 15mg dựa vào mức độ dung nạp. Tính an toàn của các liều cao hơn 30mg/ngày hiện chưa được đánh giá qua thử nghiệm lâm sàng.

Liều duy trì

  • Hiện chưa có số liệu từ các thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát để đưa ra khuyến cáo về liều lượng khi sử dụng dài hạn cho bệnh nhân đã có cải thiện sau khi điều trị cơn cấp tính với aripriprazole. Mặc dù việc tiếp tục điều trị sau khi cơn cấp tính có đáp ứng là cần thiết, nhằm duy trì đáp ứng lúc đầu và ngăn ngừa tái phát cơn hưng cảm cấp tính, hiện chưa có dữ liệu có hệ thống ủng hộ việc sử dụng aripriprazole trong điều trị dài hạn như thế (dùng quá 3 tuần).

Cách dùng

  • Dùng bằng đường uống.

Không sử dụng trong trường hợp sau (Chống chỉ định)

  • Quá mẫn cảm với thành phần của thuốc.

Tác dụng không mong muốn (Tác dụng phụ)

Các tác dụng phụ trong thử nghiệm 26 tuần, mù kép, so sánh Aripiprazole với placebo thường phù hợp với các hiện tượng thường gặp ở các thử nghiệm ngắn ngày, có kiểm soát placebo, trừ tần suất cao hơn về run [9% (13/153) với Aripiprazole so với 1% (2/153) ở placebo]. Trong nghiên cứu này, phần lớn các trường hợp run có cường độ thấp (9/13 nhẹ và 4/13 trung bình), xảy ra sớm khi điều trị (9/13 trong ≤49 ngày) và cũng không tồn tại lâu (9/13 ≤10 ngày). Run ít khi phải ngừng thuốc (< 1%). Ngoài ra, trong nghiên cứu dài ngày (52 tuần), tỷ lệ run với Aripiprazole là 4% (34/859).

Các tác dụng phụ khác trong khi đánh giá aripiprazole trước khi đưa ra thị trường:

  • Cần lưu ý là mặc dầu các hiện tượng được báo cáo trong khi điều trị với aripiprazole cũng không nhất thiết là do thuốc này gây nên. Các hiện tượng được nêu theo hệ cơ quan và sắp xếp theo tần số giảm dần dựa theo các định nghĩa sau: các hiện tượng có hại hay gặp là ở ít nhất 1% bệnh nhân; các hiện tượng ít gặp là ở từ 1% đến 0,1% bệnh nhân; các hiện tượng hiếm gặp xảy ra cho ít hơn 1/1000 bệnh nhân.

Toàn cơ thể:

  • Hay gặp: hội chứng giống cúm, đau ngực, cứng cổ, cứng đầu chi, đau cổ, đau vùng chậu.
  • Ít gặp: phù mặt, ý tưởng tự vẫn, khó ở, nhức nửa đầu, ớn lạnh, nhạy cảm ánh sáng, cảm giác căng cứng (ở bụng, ngực, lưng, đầu chi, đầu, hàm, cổ, lưỡi) đau hàm, đầy bụng, căng bụng, căng ngực, đau họng.
  • Hiếm: moniliase, nặng đầu, sưng họng, hội chứng Mendelson, đột qụy.

Hệ tim mạch:

  • Hay gặp: nhịp tim nhanh (bao gồm nhịp nhanh thất và trên thất), hạ huyết áp, nhịp tim chậm.
  • Ít gặp: đánh trống ngực, chảy máu, suy tim, nhồi máu cơ tim, ngừng tim, rung nhĩ, blốc nhĩ thất, kéo dài đoạn QT, ngoại tâm thu, thiếu máu cục bộ cơ tim, huyết khối tĩnh mạch sâu, đau thắt ngực, xanh xao, ngưng tim ngưng thở, viêm tĩnh mạch.
  • Hiếm: blốc nhánh, cuồng động nhĩ, tim to, viêm tĩnh mạch huyết khối, suy tim – hô hấp.

Hệ tiêu hoá:

  • Hay gặp: buồn nôn, nôn.
  • Ít gặp: tăng thèm ăn, nuốt khó, viêm dạ dày – ruột, đầy bụng, sâu răng, viêm dạ dày, viêm lợi, xuất huyết tiêu hóa, trĩ, trào ngược dạ dày – thực quản, áp xe quanh răng, đại tiện không kiềm chế được, chảy máu trực tràng, viêm miệng, viêm ruột kết, phù lưỡi, viêm túi mật, loét miệng, moniliase miệng, ợ hơi, chèn ép phân.
  • Hiếm: viêm thực quản, ói máu, tắc ruột, chảy máu lợi, viêm gan, loét đường tiêu hóa, viêm lưỡi, tiêu ra máu, loét tá tràng, viêm môi, gan to, viêm tụy.

Hệ nội tiết:

  • Ít gặp: suy giáp.
  • Hiếm: bướu giáp, cường giáp.

Hệ máu / Bạch huyết:

  • Hay gặp: bầm máu, thiếu máu.
  • Ít gặp: thiếu máu nhược sắc, tăng bạch cầu, giảm bạch cầu (kể cả giảm bạch cầu trung tính), bệnh hạch bạch huyết, tăng bạch cầu ưa eosin, thiếu máu đại hồng cầu.
  • Hiếm: giảm tiểu cầu, tăng tạo tiểu cầu, đốm xuất huyết.

Rối loạn chuyển hoá / dinh dưỡng:

  • Hay gặp: giảm cân, tăng creatin – phosphokinase, mất nước.
  • Ít gặp: phù, tăng đường huyết, tăng cholesterol máu, giảm kali máu, đái tháo đường, hạ đường huyết, tăng lipid máu, tăng SGPT, khát, tăng BUN, hạ natri máu, tăng SGOT, tăng creatinin, tím xanh, tăng phosphatase kiềm, bilirubin máu, thiếu máu thiếu sắt, tăng kali máu, tăng acid uric máu, béo phì.
  • Hiếm: tăng lactic-delydrogenase, tăng natri máu, gút, phản ứng hạ đường huyết.

Hệ cơ xương:

  • Hay gặp: Chuột rút.
  • Ít gặp: đau khớp, nhược cơ, bệnh khớp, đau xương, viêm khớp, yếu cơ, co thắt cơ, viêm túi thanh mạc, bệnh cơ.
  • Hiếm: viêm khớp dạng thấp, tiêu cơ vân, viêm gân, viêm bao hoạt dịch.

Hệ thần kinh:

  • Hay gặp: trầm cảm, kích động, phản ứng tâm thần phân liệt, ảo giác, chống đối, lẫn lộn, phản ứng hoang tưởng, ý tưởng tự vẫn, dáng đi bất thường, phản ứng hưng cảm, giấc mơ bất thường.
  • Ít gặp: cảm xúc thất thường, co giật, co cứng các chi, mất tập trung, rối loạn trương lực, giãn mạch, dị cảm, bất lực, run chân tay, giảm cảm giác, chóng mặt, trạng thái ngẩn ngơ, vận động chậm, lãnh đạm, tấn công hoảng loạn, giảm dục năng, ngủ nhiều, rối loạn vận động, phản ứng hưng cảm-trầm cảm, thất điều, ảo giác về thị giác, tai biến mạch não, vận động chậm chạp, mất nhân cách, mất trí nhớ, mê sảng, loạn vận ngôn, rối loạn vận động muộn, hay quên, tăng dục năng, máy cơ, bồn chồn không yên, bệnh thần kinh, cảm giác khó chịu, tăng động, thiếu máu cục bộ não, tăng phản xạ, mất vận động, giảm nhận thức, tăng cảm giác, suy nghĩ chậm chạp.
  • Hiếm: cảm giác cùn mòn, sảng khoái, mất điều hòa động tác, cơn tăng vận nhãn, bị ám ảnh, giảm trương lực, hội chứng miệng-hầu, giảm phản xạ, mất thực tế, chảy máu trong sọ.

Hệ hô hấp

  • Hay gặp: viêm xoang, khó thở, viêm phổi, hen.
  • Ít gặp: chảy máu cam, nấc, viêm thanh quản, viêm phổi do hít.
  • Hiếm: phù phổi, tăng tiết đờm, tắc mạch phổi, thiếu oxy, suy hô hấp, ngừng thở, khô mũi, ho ra máu.

Da và phần phụ da

  • Hay gặp: loét da, chảy mồ hôi, da khô.
  • Ít gặp: ngứa, phát ban phù nhú, trứng cá, chàm, mất màu da, rụng tóc, tăng tiết bã nhờn, vảy nến.
  • Hiếm: ban sần, viêm da tróc vảy, mày đay.

Giác quan

  • Hay gặp: viêm kết mạc.
  • Ít gặp: đau tai, khô mắt, đau mắt, ù tai, cườm mắt, viêm tai giữa, giảm vị giác, viêm mi mắt, chảy máu mắt, điếc.
  • Hiếm: nhìn đôi, hay nháy mắt, sa mí mắt, viêm tai ngoài, giảm thị lực, sợ ánh sáng.

Hệ tiết niệu

  • Hay gặp: đái không kìm được.
  • Ít gặp: hay tiểu tiện, khí hư, bí tiểu, viêm bàng quang, đái ra máu, tiểu khó, mất kinh, chảy máu âm đạo, xuất tinh bất thường, suy thận, moniliase âm đạo, bệnh thận, vú to ở đàn ông, sỏi thận, albumin niệu, đau vú, tiểu đau.
  • Hiếm: đái đêm, tiểu nhiều, rong kinh, không đạt cực khoái khi hoạt động tình dục, đường niệu, viêm cổ tử cung, chảy máu tử cung, chảy sữa ở nữ, sỏi niệu, cương đau dương vật.

Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

Tương tác với các thuốc khác

Aripiprazole tác dụng chủ yếu trên thần kinh trung ương, cho nên thận trọng khi phối hợp Aripiprazole với rượu và các thuốc tác động lên thần kinh trung ương. Do có tác dụng đối kháng ở thụ thể alpha1-adrenergic, nên aripiprazole có khả năng làm tăng tác dụng của một số thuốc chống tăng huyết áp.

Ảnh hưởng của các thuốc khác đối với Aripiprazole:

  • Aripiprazole không phải là cơ chất của các enzym CYP1A1, CYP1A2, CYP2A6, CYP2B6, CYP2C8, CYP2C9, CYP2C19 hoặc CYP2E1. Aripiprazole cũng không bị trực tiếp liên hợp glucuronic. Điều này cho thấy không thể có tương tác giữa aripiprazole với các chất ức chế hoặc các chất cảm ứng các enzym trên, hoặc không có tương tác với các yếu tố khác như hút thuốc lá.
  • Cả CYP3A4 và CYP2D6 đều chịu trách nhiệm về chuyển hoá của aripiprazole. Những chất cảm ứng CYP3A4 (như carbamazepine) có thể làm tăng thanh lọc aripiprazole và làm giảm hàm lượng của thuốc này trong máu. Thuốc ức chế CYP3A4 (như ketoconazole) hoặc ức chế CYP2D6 (như quinidine, fluoxetin hoặc paroxetine) có thể ức chế sự đào thải của aripiprazole và gây tăng nồng độ aripiprazole trong máu.

Ketoconazole:

  • Phối hợp ketoconazole (mỗi ngày 200mg, dùng trong 14 ngày) với liều đơn 15mg aripiprazole làm tăng AUC của aripiprazole lên 63% và AUC của chất chuyển hoá có hoạt tính lên 77%. Chưa nghiên cứu về tác dụng của liều ketoconazole cao hơn (400mg mỗi ngày). Khi có phối hợp như trên, cần giảm nửa liều thường dùng của aripiprazole. Các chất ức chế mạnh CYP3A4 (như itraconazole) cũng có tác dụng như trên, do đó cần giảm liều aripiprazole khi dùng chung. Chưa có nghiên cứu các chất ức chế yếu CYP3A4 (như erythromycin, nước bưởi). Khi ngưng dùng thuốc ức chế CYP3A4 trong phối hợp, có thể tăng lại liều aripiprazole tới liều thường dùng.

Quinidine:

  • Phối hợp liều đơn 10mg aripiprazole với quinidine (mỗi ngày 166mg, dùng trong 13 ngày). Quinidine là chất ức chế mạnh CYP2D6, sẽ làm tăng AUC của aripiprazole lên 112%, nhưng làm giảm 35% AUC của chất chuyển hoá có hoạt tính (dehydro-aripiprazole). Cần giảm nửa liều thường dùng của aripiprazole khi phối hợp.
  • Các chất ức chế khác của CYP2D6, như fluoxetin, paroxetin có thể cũng có ảnh hưởng như trên và do dó cũng nên giảm liều aripiprazole. Khi ngưng dùng chất ức chế CYP2D6 trong phối hợp thuốc, có thể tăng lại liều aripiprazole.

Carbamazepine

  • Phối hợp carbamazepine (200mg, hai lần mỗi ngày) là chất cảm ứng mạnh CYP3A4 với aripiprazole (mỗi ngày 30 mg) sẽ làm giảm 70% Cmax và giá trị AUC của cả aripiprazole và của chất chuyển hoá có hoạt tính (dehydro-aripiprazole). Khi thêm carbamazepine vào liệu pháp aripiprazole, cần tăng gấp đôi liều aripiprazole. Liều lượng thêm vào cần dựa vào đánh giá lâm sàng. Khi rút carbamazepine ra khỏi phối hợp trên, cần giảm liều aripiprazole trở lại.
  • Không thấy ảnh hưởng rõ rệt của famotidine, valproat hoặc của lithium trên dược động học của aripiprazole.

Ảnh hưởng của Aripiprazole tới các thuốc khác

  • Aripiprazole không có tương tác dược động học có ý nghĩa lâm sàng tới các thuốc chuyển hoá qua enzym cytocrôm P450. Nghiên cứu in vivo, với liều 10-30 mg/ngày, thấy aripiprazole không ảnh hưởng tới chuyển hoá bởi các cơ chất của CYP2D6 (dextromethorphan), CYP2C9 (warfarin), CYP2C19 (omeprazole, warfarin) và CYP3A4 (dextromethorphan). Ngoài ra, aripiprazole và dehydro-aripiprazole in vitro không làm thay đổi chuyển hoá của thuốc khác qua CYP1A2.

Rượu

  • Không có khác biệt có ý nghĩa giữa aripiprazole phối hợp với ethanol và placebo + ethanol trên biểu hiện khéo léo về vận động hoặc vè đáp ứng với các xung kích thích ở người khỏe mạnh. Tuy nhiên, cũng như với nhiều thuốc tâm thần khác, bệnh nhân cần được cảnh báo không uống rượu khi đang dùng Aripiprazole.

Lưu ý khi sử dụng (Cảnh báo và thận trọng)

Hội chứng an thần ác tính

  • Đã có báo cáo về một hội chứng có khả năng gây tử vong đôi khi được quy là hội chứng an thần ác tính khi dùng các thuốc chống loạn thần, kể cả aripiprazole. Hai trường hợp có thể là hội chứng an thần ác tính đã xảy ra trong khi dùng aripiprazole trong cơ sở dữ liệu lâm sàng toàn thế giới trước khi đưa thuốc ra thị trường. Các biểu hiện lâm sàng gồm sốt cao, cứng đờ cơ, trạng thái tâm thần thay đổi, và biểu hiện không ổn định về thần kinh tự chủ (mạch hoặc huyết áp không đều, nhịp tim nhanh, toát mồ hôi và loạn nhịp tim). Các dấu hiệu phụ có thể gồm: tăng creatin phosphokinase, myoglobin niệu, suy thận cấp.
  • Việc chẩn đoán hội chứng này phức tạp. Để chẩn đoán, cần loại ra những trường hợp có biểu hiện lâm sàng gồm bệnh nặng (như viêm phổi, nhiễm khuẩn toàn thân…) và các dấu hiệu, triệu chứng ngoại tháp không được điều trị hoặc điều trị không đầy đủ. Những điều cần quan tâm khác trong chẩn đoán phân biệt gồm độc tính ức chế thần kinh phó giao cảm trung tâm, cảm nhiệt, sốt do thuốc, và bệnh hệ thần kinh trung ương nguyên phát.

Việc điều trị hội chứng an thần ác tính có thể gồm

  • Ngưng lập tức thuốc chống loạn thần và các thuốc khác không cần cho liệu pháp phối hợp.
  • Điều trị triệu chứng và theo dõi tình hình bệnh.
  • Điều trị mọi vấn đề y khoa nghiêm trọng đồng thời với những liệu pháp đặc hiệu.
  • Không có sự thống nhất chung về các chế độ điều trị dùng thuốc đặc hiệu đối với hội chứng an thần ác tính không phức tạp.
  • Nếu một bệnh nhân cần điều trị với thuốc chống loạn thần sau khi phục hồi khỏi hội chứng an thần ác tính, cần cân nhắc việc dùng thuốc trở lại. Cần theo dõi bệnh nhân, vì đã có báo cáo về những tái phát của hội chứng an thần ác tính.

Loạn vận động muộn

  • Một hội chứng các cử động loạn vận động không tùy ý có khả năng không phục hồi có thể xảy ra ở bệnh nhân điều trị với các thuốc chống loạn thần. Mặc dù tỷ lệ của hội chứng có vẻ cao nhất ở những người cao tuổi, đặc biệt ở phụ nữ cao tuổi, tuy nhiên không thể dùng nó để tiên đoán khi bắt đầu liệu pháp chống loạn thần rằng bệnh nhân nào có khả năng bị hội chứng này. Các chế phẩm thuốc chống loạn thần có khác nhau về khả năng gây loạn vận động muộn hay không, điều này chưa được biết rõ.
  • Người ta cho rằng nguy cơ xảy ra loạn vận động muộn và khả năng loạn vận động trở nên không phục hồi tăng lên khi thời gian điều trị và tổng liều tích lũy của thuốc chống loạn thần dùng cho bệnh nhân tăng lên. Tuy vậy, hội chứng cũng có thể xảy ra, mặc dầu ít gặp hơn nhiều, sau thời gian điều trị tương đối ngắn ở liều thấp.
  • Chưa có trị liệu chuyên biệt đối với các trường hợp loạn vận động đã được xác định, tuy nhiên hội chứng có thể tự thuyên giảm, một phần hoặc hoàn toàn, nếu ngừng trị liệu chống loạn thần. Tuy vậy, bản thân trị liệu chống loạn thần có thể chặn (hoặc chặn một phần) các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng và do đó, có thể che dấu những diễn tiến bên trong. Hiện chưa biết rõ tác dụng của việc chặn các triệu chứng trên quá trình diễn biến dài hạn của hội chứng.
  • Dựa trên những cân nhắc này, có thể chỉ định sử dụng Aripiprazole một cách phù hợp để giảm thiểu xảy ra loạn vận động muộn. Nói chung, nên dành trị liệu chống loạn thần lâu dài cho các bệnh nhân bị bệnh mạn tính được biết là có đáp ứng với thuốc chống loạn thần, và các liệu pháp khác có hiệu quả tương đương, nhưng có thể ít nguy hại hơn đối với bệnh đó thì lại không có hoặc không thích hợp. Đối với các bệnh nhân cần điều trị lâu dài, nên tìm ra liều nhỏ nhất và thời gian điều trị ngắn nhất mà cho hiệu quả lâm sàng tốt. Nhu cầu điều trị tiếp tục cần được định kỳ đánh giá lại.
  • Nếu các dấu hiệu và triệu chứng của loạn vận động muộn xuất hiện ở một bệnh nhân đang điều trị với Aripiprazole, nên xem xét việc ngừng thuốc. Tuy nhiên, mặc dầu có hội chứng, một số bệnh nhân vẫn cần được điều trị với Aripiprazole.

Thận trọng chung

Hạ huyết áp tư thế

  • Aripiprazole có thể gây hạ huyết áp tư thế, có thể do sự đối kháng của thuốc với thụ thể giao cảm alpha1. Tần suất của các hiện tượng liên quan đến hạ huyết áp tư thế được rút ra từ 5 thử nghiệm ngắn hạn có kiểm chứng với placebo, ở bệnh tâm thần phân liệt (n=926) được điều trị với Aripiprazole bao gồm: hạ huyết áp tư thế đứng (placebo 1%, aripiprazole 1,9%, chóng mặt thế đứng (placebo 1%, aripiprazole 0,9%), và ngất (placebo 1%, aripiprazole 0,6%). Tỉ lệ của sự thay đổi huyết áp tư thế có ý nghĩa (được xác định là sự giảm ít nhất 30 mmHg về huyết áp tâm thu khi thay đổi từ tư thế nằm ngửa sang đứng) đối với aripiprazole không khác nhau có ý nghĩa so với placebo (14%) trong các bệnh nhân điều trị với aripiprazole và 12% trong các bệnh nhân điều trị với placebo).
  • Dùng aripiprazole một cách thận trọng ở bệnh nhân đã được biết có bệnh tim mạch (tiền sử nhồi máu cơ tim, thiếu máu cục bộ tim, suy tim và những bất thường về dẫn truyền), bệnh mạch máu não hoặc các điều kiện dẫn tới giảm huyết áp (như mất nước, mất máu và điều trị với các thuốc chống tăng huyết áp).

Cơn động kinh

  • Động kinh gặp ở 0,1% (1/926) bệnh nhân tâm thần phân liệt dùng aripiprazole ngắn ngày, trong thử nghiệm so sánh placebo. Trong thử nghiệm lâm sàng ngắn hạn có kiểm soát, so sánh với placebo, trên bệnh nhân bị hưng cảm lưỡng cực, có 0,3% (2/597) bệnh nhân dùng aripiprazole và 0,2% (1/436) bệnh nhân dùng placebo bi động kinh. Cũng như với các thuốc tâm thần khác, cần dùng thận trọng aripiprazole ở người có tiền sử động kinh hoặc có các điều kiện làm giảm ngưỡng động kinh, ví dụ sa sút trí tuệ kiểu Alzheimer. Các điều kiện làm giảm ngưỡng cơn động kinh có thể trội ở người cao tuổi ≥65 tuổi.

Suy giảm nhận thức và vận động

  • Trong các thử nghiệm ngắn ngày, có kiểm soát placebo trên bệnh nhân tâm thần phân liệt, thấy buồn ngủ có ở 11% bệnh nhân nhóm Aripiprazole so với 8% ở nhóm placebo. Buồn ngủ phải ngừng thuốc ở 0,1% (1/926) bệnh nhân tâm thần phân liệt dùng Aripiprazole trong các thử nghiệm ngắn ngày, có kiểm soát placebo. Trong thử nghiệm lâm sàng ngắn hạn có kiểm soát, so sánh với placebo, trên bệnh nhân bị hưng cảm lưỡng cực, có 14% bệnh nhân dùng Aripiprazole bị buồn ngủ so với tỉ lệ là 7% ở bệnh nhân dùng placebo, nhưng không có trường hợp nào khiến bệnh nhân phải ngưng thuốc. Mặc dầu tỷ lệ buồn ngủ hơi tăng hơn placebo, Aripiprazole cũng như các thuốc chống loạn thần khác cũng có thể làm suy giảm nhận thức hoặc sự khéo léo về vận động. Bệnh nhân cần thận trọng khi thao tác các máy móc dễ bị rủi ro, như lái xe, cho đến khi chắc chắn rằng dùng Aripiprazole không gây tác hại.

Điều hoà thân nhiệt

  • Thuốc tâm thần có thể ảnh hưởng xấu tới khả năng làm giảm thân nhiệt của cơ thể. Cần thận trọng khi kê đơn aripiprazole cho bệnh nhân trong điều kiện dẫn tới tăng thân nhiệt, ví dụ lao động quá căng thẳng, nhiệt độ môi trường quá cao, phối hợp với các thuốc kháng cholinergic hoặc bị mất nước.

Khó nuốt

  • Rối loạn co bóp thực quản và sặc hay gặp khi dùng thuốc chống loạn thần. Viêm phổi do sặc là nguyên nhân hay gặp của tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong ở người cao tuổi, đặc biệt ở người sa sút trí tuệ Alzheimer. Cần dùng thận trọng aripiprazole và các thuốc chống loạn thần khác ở người có nguy cơ viêm phổi do sặc.

Tự vẫn

  • Ý định tự vẫn vốn dễ có ở người bệnh tâm thần và cần lưu ý chặt chẽ đến bệnh nhân có nguy cơ cao trong khi dùng thuốc. Khi kê toa Aripiprazole, cần kê lượng ít nhất phù hợp với nguyên tắc điều trị bệnh nhân tốt để giảm nguy cơ quá liều.

Sử dụng ở bệnh nhân có kèm bệnh khác

  • Độ an toàn ở bệnh nhân cao tuổi có bệnh loạn thần kèm bệnh Alzheimer:
  • Với liều linh động (2-15mg/ngày), dùng trong 10 tuần, có kiểm soát placebo, dùng aripiprazole ở người cao tuổi [81,5 (56-95) tuổi] bị loạn thần kèm bệnh Alzheimer. Có 4/105 bệnh nhân (3,8%) dùng Aripiprazole bị tử vong so với không có ai chết ở 102 người dùng placebo trong vòng 30 ngày sau khi kết thúc giai đoạn mù kép của nghiên cứu. Có 3 bệnh nhân (tuổi: 92, 91, 87) tử vong sau khi ngừng Aripiprazole ở pha mù kép của nghiên cứu (nguyên nhân tử vong là viêm phổi, suy tim và sốc). Bệnh nhân thứ tư (78 tuổi) tử vong sau khi phẫu thuật hông trong khi đang ở giai đoạn mù đôi của nghiên cứu. Các hiện tượng có hại do thuốc có tần suất ≥5% và có tần suất cao hơn ở nhóm placebo là tổn thương do tai nạn, buồn ngủ và viêm phế quản. Có 8% người dùng Aripiprazole bị buồn ngủ so với 1% ở nhóm placebo. Trong một nghiên cứu nhỏ, mở, với liều tăng dần (n = 30) ở người già sa sút trí tuệ, thấy Aripiprazole gây buồn ngủ phụ thuộc liều dùng.
  • Chưa đánh giá được hiệu lực và độ an toàn của Aripiprazole dùng điều trị người loạn thần kèm sa sút trí tuệ. Khi kê đơn Aripiprazole cho những đối tượng này, cần đặc biệt cảnh giác nếu bệnh nhân có khó khăn về nuốt hoặc quá buồn ngủ.
  • Kinh nghiệm lâm sàng với Aripiprazole ở bệnh nhân có bệnh toàn thân kèm theo còn hạn chế.
  • Chưa đánh giá sử dụng Aripiprazole ở bệnh nhân vừa có tiền sử nhồi máu cơ tim hoặc bệnh tim không ổn định.

Sử dụng trong nhi khoa

  • Chưa xác định hiệu lực và độ an toàn của thuốc đối với trẻ em và thanh niên.

Sử dụng trong lão khoa

  • Thử nghiệm lâm sàng trước khi đưa ra thị trường trên 7951 bệnh nhân dùng aripiprazole, trong số đó có 991 (12%) người trên 65 tuổi và 789 (10%) trên 75 tuổi. Phần lớn (88%) trong số 991 bệnh nhân được chẩn đoán là sa sút trí tuệ Alzheimer.
  • Nghiên cứu có kiểm soát placebo về việc sử dụng aripiprazole ở người tâm thần phân liệt hoặc hưng cảm lưỡng cực không có đủ số lượng những người ≥65 tuổi để xác định xem họ có đáp ứng khác người trẻ tuổi không? Không có ảnh hưởng của tuổi tác đến dược động học của đơn liều 15mg aripiprazole. Độ thanh lọc của thuốc này giảm 20% ở người cao tuổi (> 65 tuổi) so với người trẻ tuổi (18-64 tuổi), nhưng không tìm thấy ảnh hưởng của tuổi khi phân tích dược động học theo quần thể ở người tâm thần phân liệt.
  • Nghiên cứu trên người cao tuổi bị bệnh loạn thần kèm Alzheimer cho thấy có thể có khả năng dung nạp khác nhau ở các đối tượng này so với người trẻ bị tâm thần phân liệt. Hiệu lực và độ an toàn của Aripiprazole dùng chữa bệnh nhân loạn thần kèm theo Alzheimer chưa được xác định. Bác sĩ nên cảnh giác khi chọn Aripiprazole cho các đối tượng này.

Lái xe và vận hành máy móc

  • Cần thận trọng khi sử dụng cho các đối tượng lái xe và vận hành máy móc.

Phụ nữ có thai và cho con bú

Xếp hạng cảnh báo

  • AU TGA pregnancy category: C
  • US FDA pregnancy category: NA

Thời kỳ mang thai

  • Nghiên cứu trên động vật, aripiprazole gây độc tính cho thai, bao gồm khả năng gây quái thai ở chuột cống và thỏ.
  • Chuột cống có thai dùng liều uống 3-10-30 mg/kg/ngày (gấp 1-3-10 lần MRHD dựa vào mg/m2) aripiprazole trong thời kỳ tạo cơ quan.
  • Thời kỳ thai nghén có kéo dài chút ít với liều 30 mg/kg. Thuốc làm trì hoãn sự phát triển thai, với bằng chứng là làm giảm cân nặng thai (30 mg/kg), tinh hoàn không đi xuống (30 mg/kg), làm chậm sự hoá xương (10 và 30 mg/kg). Thuốc không có tác dụng có hại trên tỷ lệ sống sót của phôi thai và động vật mới sinh. Động vật mới sinh có giảm cân nặng (10 và 30 mg/kg) và tăng tần suất bị các nốt ở gan – cơ hoành và thoát vị hoành ở liều 30 mg/kg (các nhóm với liều khác không gặp các triệu chứng này). Một tần suất thấp về thoát vị hoành cũng gặp ở thai khi động vật mẹ dùng 30 mg/kg. Sau khi sinh, thấy chậm mở âm đạo với liều 10 và 30 mg/kg và khả năng sinh sản bị suy giảm (giảm tỉ lệ thụ thai, hoàng thể, làm tổ của trứng và số thai sống sót, tăng mất mát sau khi làm tổ) với liều 30 mg/kg. Một số độc tính với mẹ xảy ra với liều 30 mg/kg, tuy nhiên không có chứng cớ rằng các tác dụng về sự phát triển thai là thứ phát sau độc tính của thuốc với mẹ.
  • Thỏ có thai uống các liều 10-30 và 100mg/kg/ngày (gấp 2-3 và 11 lần MRHD dựa vào AUC và 6-19 và 65 lần MRHD dựa vào mg/m2) của aripiprazole trong thời gian tạo cơ quan của thai. Thỏ mẹ giảm ăn uống và tăng sảy thai với liều 100 mg/kg. Dùng thuốc làm tăng tỉ lệ tử vong của thai nhi (100mg/kg), làm giảm cân nặng thai (30 và 100 mg/kg), tăng tần suất bất thường về bộ xương (đốt xương ức gắn vào nhau ở liều 30 và 100 mg/kg) và có thay đổi nhẹ ở bộ xương (100 mg/kg).
  • Trong một nghiên cứu với chuột cống uống 3-10-30 mg/kg/ngày (gấp 1-3-10 lần MRHD dựa vào mg/m2) aripiprazole chu sinh và sau sinh (từ ngày 17 của thai kỳ tới ngày 21 sau khi sinh), có độc tính nhẹ với chuột mẹ và kéo dài thời kỳ mang thai với liều 30 mg/kg. Chết ngay khi sinh tăng, giảm cân nặng chuột sơ sinh (kéo dài tới khi chuột lớn lên) và giảm sống còn xảy ra ở liều 30 mg/kg.
  • Chưa có các nghiên cứu đầy đủ, có kiểm soát chặt ở người mang thai. Không rõ aripiprazole có gây tác hại cho thai khi dùng cho phụ nữ mang thai hoặc có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay không? Chỉ dùng aripiprazole khi mang thai khi lợi ích cho mẹ vượt hẳn nguy cơ có thể có cho thai.

Chuyển dạ và sinh đẻ

  • Tác dụng của aripiprazole đối với thời kỳ chuyển dạ và sinh đẻ ở người chưa được biết rõ.

Thời kỳ cho con bú

  • Aripiprazole bài tiết qua sữa chuột cống trong thời kỳ cho con bú. Chưa rõ aripiprazole và các chất chuyển hoá có qua sữa người hay không? Bà mẹ dùng aripiprazole phải ngừng cho con bú.

Bảo quản

  • Nơi khô ráo, thoáng mát.
Từ khóa: , , ,
Hãy là người đầu tiên nhận xét “Abilify 10mg AIO 4 vỉ x 7 viên – Thuốc tâm thần phân liệt”

Your email address will not be published. Required fields are marked

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.